Xây dựng các mô hình đối với lĩnh vực cấp nước sạch
Rà Soát, đánh giá các mô hình cấp nước tập trung hiện có: Đánh giá quy mô cấp nước, công nghệ xử lý, phân tích các thành công, hiệu quả, vướng mắc, khó khăn, bất cập, đánh giá lại phương thức quản lý, sự vận dụng, áp dụng các công cụ chính sách pháp luật hiện có trong đầu tư, huy động vốn, đất đai, thuế, trợ giá...; phân tích những hạn chế, bất cập trong áp dụng các chính sách hiện hành. Đề xuất và thực hiện các giải pháp hoàn thiện, công nghệ, phương thức quản lý và cơ chế, chính sách phù hợp để vận hành bền vững mô hình hiện có.
Xây dựng 14 mô hình về cấp nước sạch nông thôn tập trung để thí điểm các nội dung theo phương châm đẩy mạnh xã hội hoá với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng, gồm: Cơ chế huy động vốn đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; phương thức quản lý trước và sau đầu tư phù hợp với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức chính trị - xã hội; lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp khi xây dựng mô hình.
Xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn quy mô liên xã
Rà soát, đánh giá các mô hình phân loại rác thải tại nguồn, mô hình thu gom và xử lý cấp xã, huyện, tỉnh; hiệu quả các biện pháp công nghệ (chôn lấp, đốt tập trung, đốt phân tán, sản xuất phân hữu cơ, các biện pháp khác), phân tích các thành công, hiệu quả, vướng mắc, khó khăn, bất cập; đánh giá phương thức quản lý, sự vận dụng, áp dụng các công cụ chính sách pháp luật hiện có trong đầu tư, huy động vốn, đất đai, thuế, trợ giá,... Đề xuất và thực hiện các giải pháp hoàn thiện, nâng cấp công nghệ, phương thức quản lý và cơ chế, chính sách phù hợp để vận hành có hiệu quả các mô hình hiện có.
Xây dựng 14 mô hình mới về thu gom và xử lý chất thải rắn quy mô liên xã để thí điểm: Cơ chế huy động vốn đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng khó khăn, biên giới, hải đảo (bao gồm cả cơ cấu giá thành xử lý theo từng giải pháp công nghệ phù hợp; phân bổ nguồn lực đầu tư, quản lý, vận hành; chính sách bảo hiểm y tế hoặc hệ số độc hại cho người tham gia xử lý chất thải); phương thức quản lý trước và sau đầu tư phù hợp với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức chính trị - xã hội... và lựa chọn công nghệ xử lý tối ưu khi xây dựng mô hình.
Xây dựng mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật
Rà soát, đánh giá công tác thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng hiện nay, các công nghệ hiện có để xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; phân tích các thành công, hiệu quả, vướng mắc, khó khăn, bất cập của các mô hình thu gom và xử lý hiện có trong cả nước, đánh giá cơ chế huy động nguồn vốn để thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tại các địa phương; đơn giá xử lý cho các loại hình công nghệ khác nhau, cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho việc thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; phân tích những hạn chế, bất cập trong áp dụng các chính sách hiện hành. Đề xuất và thực hiện các giải pháp hoàn thiện, nâng cấp công nghệ, phương thức quản lý và cơ chế, chính sách phù hợp để vận hành có hiệu quả các mô hình hiện có.
Xây dựng 7 mô hình mới về thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để thí điểm: Cơ chế huy động vốn đầu tư ngoài NSNN cho việc thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phương thức quản lý trước và sau đầu tư phù hợp, lựa chọn công nghệ xử lý tối ưu; thiết lập hệ thống quản lý, vận hành mô hình, bao gồm đơn giá xử lý cho một đơn vị khối lượng chất thải.
Xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi
Rà soát, đánh giá hiệu quả và sự phù hợp của các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi hiện có, như: Công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học, phân trộn, phân tích các thành công, hiệu quả, vướng mắc, khó khăn, bất cập; đánh giá lại phương thức quản lý và những bất cập trong quản lý chất thải chăn nuôi hiện nay. Đề xuất và thực hiện các giải pháp hoàn thiện, nâng cấp công nghệ, phương thức quản lý và cơ chế, chính sách phù hợp để vận hành có hiệu quả các mô hình hiện có, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ vừa tạo thị trường đầu ra cho xử lý chất thải chăn nuôi bảo đảm môi trường, vừa phù hợp với định hướng thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Xây dựng thí điểm 7 mô hình mới về thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi lợn theo hướng ép thành phân hữu cơ để bán trên thị trường, gồm: hỗ trợ công nghệ và thiết bị, máy móc, thiết bị liên quan để doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi có thể tự thu gom và ép chất thải thành phân hữu cơ; hỗ trợ giá tiêu thụ phân hữu cơ được sản xuất từ chất thải chăn nuôi; xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và tập huấn cho người trực tiếp tham gia chăn nuôi, đồng thời hỗ trợ hướng dẫn phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Xây dựng mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã
Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì, lựa chọn hình thức xây dựng 30 mô hình trên cơ sở các nội dung cơ bản sau: Rà soát, đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT tại khu vực nông thôn khó khăn, biên giới, hải đảo. Xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền và các phương tiện, thiết bị bảo đảm hoạt động thường xuyên, hiệu quả của tuyên truyền viên.
Hình thành đội ngũ tuyên truyền viên về BVMT; tập huấn các nội dung về môi trường và tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân về tham gia BVMT. Xây dựng quy chế hoạt động cho đội ngũ tuyên truyền viên; hướng dẫn cơ chế chi trả phụ cấp cho tuyên truyền viên từ nguồn ngân sách địa phương, bao gồm cả sự nghiệp môi trường, cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền...