Buổi họp báo đã thông tin với các cơ quan thông tấn, báo chí về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 của tỉnh Thừa Thiên Huế và dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.
Theo đó, kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 có chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý là, tổng thu ngân sách ước 9 tháng đầu năm 2018 đạt 5.476,1 tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán năm, tăng 8,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 14.400 tỷ đồng, bằng 72% KH năm, tăng 6,43% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 667,8 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 72,6% kế hoạch năm. Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm có: Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 580 triệu USD, tăng 8,5% và chiếm tỷ trọng 86,85%; nhóm hàng nông, thuỷ sản ước đạt 50,02 triệu USD, tăng 12,77% và chiếm tỷ trọng 7,49%...
Trong 9 tháng năm 2018, có 492 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 10% so với cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký là 3.602 tỷ đồng; có 137 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 82 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình hoạt động...Toàn tỉnh đã thu hút được 25 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 40.600 tỷ đồng (trong đó, 18 dự án trong nước với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng và 07 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.640 triệu USD).
Đối với lĩnh vực Du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách đến tỉnh đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 25,82% so với cùng kỳ (trong đó, khách quốc tế 1.42 triệu lượt); tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,582 triệu lượt khách, tăng 12,52%, trong đó lượt khách ngủ qua đêm 1,4 triệu lượt, tăng 12,14%.
Việc làm và an sinh xã hội được quan tâm, dự ước 9 tháng đầu năm 2018 giải quyết việc làm cho 14 nghìn lao động, đạt 87,5% KH năm (có 604 lao động đi lao động ở nước ngoài tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, vượt 20,8% KH năm).
Về dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, hiện tỉnh đã tổ chức khảo sát hiện trạng sử dụng đất và đời sống của người dân để đề xuất, xây dựng cơ chế đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư trình các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ.
Về tổng thể, sẽ di dời khoảng 4.200 hộ dân thuộc khu vực 1 di tích Kinh thành Huế trong giai doạn 2019 - 2021. Kinh phí di dời dân cư, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng hon 2.800 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên tập trung di dời các hộ dân trong phạm vi di tích thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ, tiếp đến là di dời các hộ dân trong phạm vi di tích còn lại (hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành, di tích Trấn Bình Đài.
Ngoài ra, còn cần khoảng 1.362 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới với quy mô 73h tại phường Hương Sơ để phục vụ di dời trước khi di dời dân cư đến nơi ở mới. Bên cạnh đó, còn cần nguồn kinh phí khá lớn cho việc cải tạo mặt bằng nguyên trạng di tích sau khi di dời dân cư và thực hiện trùng tu, tôn tạo, bảo tổn di tích...
Lãnh đạo UBND tỉnh mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí, bên cạnh việc tuyên truyền tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và dư luận xã hội để khi dự án đi vào triển khai, thực hiện sẽ đạt hiệu quả như mong muốn.
Tại buổi họp báo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đã đặt một số câu hỏi liên quan đến các vấn đề được dư luận quan tâm như: công tác quản lý bảo vệ rừng; thông tin các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án tái định cư; việc thực hiện kết luận của Đoàn công tác số 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và một số vấn đề liên quan đến tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hầu hết các câu hỏi của các phóng viên, cơ quan thông tấn báo chí đã được lãnh đạo chủ trì buổi họp báo và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham gia buổi họp báo trả lời cụ thể; đồng thời thông tin thêm về những vấn đề còn đang trong quá trình xử lý, giải quyết cũng như ghi nhận những vấn đề mới mà các phóng viên phản ánh tại buổi họp báo.
Kết luận tại buổi họp báo, thay mặt UBND tỉnh, ông Hoàng Ngọc Khanh, Ủy viên UBND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp và phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục góp sức cùng với tỉnh để thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, phản ánh đầy đủ, trung thực mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.