Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Đối thoại trực tuyến: Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”
Ngày cập nhật 16/08/2019

Sáng 15/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư và một số Sở, ngành liên quan đã chủ trì buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế với chủ đề “Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, những năm qua, xác định tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm nên cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời tạo cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản. Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn; mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao...Kết quả từ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh; làm đổi thay diện mạo các vùng nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì công tác xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và cả cộng đồng người dân. UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại hôm nay, với chủ đề "Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp" là nhằm trao đổi một cách toàn diện về những khó khăn, vướng mắc cũng như tiếp nhận các ý kiến đề xuất của người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để đưa lĩnh vực nông nghiệp và bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày một phát triển bền vững.
Nhiều ý kiến tâm huyết
Tại buổi đối thoại, rất nhiều câu hỏi của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp được gửi đến liên quan với nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nhiều ý kiến cũng trăn trở là làm sao phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, nâng cao giá trị trong sản xuất; đặc biệt là các chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao và chính sách ưu đãi về vốn, hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh cũng như những đề xuất về các giải pháp duy trì, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới...
Đáng chú ý là câu hỏi của bạn huynhphuoc_1977@gmail.com và Hà Văn Thái, Phú Diên, Phú Vang hỏi về sự tác động và hiệu quả từ việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; giải pháp để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững cũng như "Chính sách khuyến khích, phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh... Câu hỏi của bạn thanhque_py@gmail.com thì cho rằng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một xu thế tất yếu trong thời buổi hiện nay; vậy trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh ta thì đã có những định hướng gì về phát triển nông nghiệp công nghệ cao?. Người dân được hỗ trợ những gì khi đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng này?
Bày tỏ quan tâm về phát triển nông nghiệp phục vụ cho phát triển du lịch- một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, bạn Thanh Nhàn (địa chỉ mail: Helenpan@gmail.com) đặt câu hỏi về sự quan tâm như thế nào của Tỉnh trong việc quy hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng (giao thông, điện, nước…) đối với các vùng sẽ tập trung cho sản xuất nông nghiệp đặc trưng, đặc sản của Huế kết hợp với du lịch (dạng như “Farmstay”)? Tỉnh có ưu đãi, hay chính sách gì cho các doanh nghiệp, hay các “Start up” đầu tư phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp?.
Bạn Võ Đại Dũng (phường An Tây, TP.Huế), cũng bày tỏ mối quan tâm về những chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp sạch cũng như giải pháp cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp sạch. Câu hỏi của bạn "hongngoclan@gmail.com" thì cho rằng, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ta phần lớn chưa trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có sản lượng lớn như Thanh trà, nhãn... chủ yếu xuất bán sản phẩm thô chưa qua chế biến; vậy Tỉnh đã tìm ra giải pháp gì giúp người nông dân sản xuất sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường?. Hay bạn letaithu.hu_0202@gmail.com nêu nên vấn đề về công tác quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản nổi tiếng của Huế...
 Bạn có địa chỉ mail: huutam2710@gmail.com thì quan tâm vấn đề doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông thôn được hưởng chính sách miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước như thế nào? có được ưu tiên gì hơn khi đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn không?. Về bảo vệ môi trường, bạn Bùi Thị Ngọc Vy, TP. Huế cho rằng, phát triển nông nghiệp nông thôn thường kéo theo những tác động đến môi trường; vậy việc quy hoạch về bảo vệ môi trường trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta là như thế nào để hình thành được một nền nông nghiệp phát triển bền vững?. Câu hỏi của bạn có địa chỉ mail: nguyenhuyhoang@gmail.com thì băn khoăn về việc duy trì, phát huy các tiêu chí NTM đối với các xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới; Giải pháp duy trì và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới trong thời gian tới của tỉnh là gì?
Phát triển nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao
Kết thúc buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa, sớm khắc phục những bất cập, những tồn tại. Đồng thời, Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo khai thác những tiềm năng, thế mạnh, của địa phương để phát triển nông nghiệp; đặc biệt là phát triển những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề cao phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng, phát triển nông thôn theo yêu cầu mới; ưu tiên phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, tâm linh tại vùng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; đảm bảo các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội thì thời gian đến, nền nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có những chuyển biến tích cực; công tác xây dựng nông thôn mới sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa và hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra. Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
theo thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 54.542
Truy cập hiện tại 128