Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Xây dựng chính quyền số, hình thành xã hội số, công dân số để làm nền tảng phát triển xã hội trong tương lai
Ngày cập nhật 22/11/2021

Ngày 19/11, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo hình thức trực tuyến.Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel và Tập đoàn VNPT.Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ.

Chia sẽ với Hội nghị về kết quả và kinh nghiệm Chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ cho biết, trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất quan tâm và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển mạnh, đồng bộ hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Năm 2019, Thừa Thiên Huế xếp thứ nhất về phát triển Chính phủ điện tử cấp tỉnh; Đạt giải thưởng Viễn thông Châu Á (Telecom Asia Awards 2019) ở hạng mục Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2019, Thừa Thiên Huế đứng thứ 02. Chỉ số chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020, Thừa Thiên Huế xếp thứ 02.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Thừa Thiên Huế xác định công nghệ là một trong những công cụ đắc lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, từng bước hoàn thiện và đưa vào hoạt động thí điểm các hệ thống thông tin, các ứng dụng, giải pháp nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh và đã đạt được một số kết quả như: Phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia triển khai mã QR quốc gia qua hình thức “Thẻ kiểm soát dịch bệnh” và được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai hiệu quả giải pháp này.Cung cấp nhiều tiện ích trên nền tảng ứng dụng di động Hue-Svà Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh hỗ trợ người dân thực hiện các nhu cầu như khai báo y tế, khai báo vào tỉnh, khai báo dành cho phương tiện vận tải vào giao nhận hàng; đăng ký chương trình đón công dân từ TP Hồ Chí Minh về Huế, đăng ký cách ly có thu phí; tư vấn khám, chữa bệnh qua hình thức trực tuyến, báo cáo số công tác phòng, chống dịch bệnh…

Trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính quyền,tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi phương thức vận hành của hệ thống.Với phương châm Thừa Thiên Huế hướng tới là 4 không 1 cólàm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không tiền mặt và dữ liệu có số hóa.Hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong cơ quan Nhà nước được triển khai từ tỉnh đến cấp xã và xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ các văn bản Mật), sử dụng chữ ký số để ký khi phát hành văn bản.Dịch vụ công của tỉnh được triển khai cho 100% các CQNN trên địa bàn để tiếp nhận hồ sơ dịch vụ hành chính công trực tuyến của các tổ chức, cá nhân yêu cầu với mức độ 3-4 đạt trên 90%.Các hệ thống quản lý chuyên ngành điển hình như quản lý Hồ sơ cán bộ công chức viên chứcquản lý thông tin giáo dục và đào tạo,… đã được triển khai tập trung và thống nhất toàn tỉnh.Về công tác tổ chức hội họp, tỉnh đã thiết lập hệ thống họp không giấy tờ e-Cabinet để họp HĐND và UBND tỉnh.

Nền tảng ứng dụng di động Hue-S

Bên cạnh đó,hạ tầng kết nối Internet tập trung cho các cơ quan Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế được triển khai tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thông qua hệ thống đường truyền leased line tốc độ cao đảm bảo cho toàn tỉnh, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nội bộ tỉnh kết nối thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã, vận hành thông suốt.

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thiện nền tảng phát triển và tích hợp Chính quyền điện tử như: Nền tảng phát triển ứng dụng, nền tảng tích hợp, chia sẻ liên thông (LSGP) đã kết nối thông với nền tảng tích hợp chia sẻ liên thông quốc gia (NGSP).100% tiêu chí phát triển Chính quyền điện tử năm 2020 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025 đã đạt và vượt.

Tỉnh đã tổ chức thành công Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2021, Tuần lễ Chuyển đổi số Huế - 2021 chính là sự đổi mới sáng tạo trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác về công nghệ thông tin và chuyển đổi số với 02 Tập đoàn lớn của Việt Nam, đó là: Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VNPT.

Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, sản xuất công nghiệp cũng đã được tỉnh quan tâm triển khai.

Điểm nổi bật là thông qua Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh với 16 dịch vụ trong ứng dụng, người dân đã tham gia với tỷ lệ cao, những phản ánh hiện trường, kiến nghị, đề nghị của công dân, tổ chức trở thành ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và những kiến nghị này được theo dõi, giám sát kết quả xử lý của các cơ quan liên quan, người dân được giám sát, đánh giá việc trả lời của các cơ quan có trách nhiệm, tạo niềm tin của người dân đối với công việc của chính quyền. Mức độ người dân sử dụng công nghệ để truy cập và sử dụng các sản phẩm ứng dụng của chính quyền cung cấp: Hue-S, Dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội,… ngày càng tăng lên.Đồng thời, thay đổi hoàn toàn cách thức và năng lực tổ chức, điều hành của các cơ quan trong hệ thống chính quyền các cấp.

Để đạt được những kết quả trên, cần có sự quyết tâm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh bằng những mục tiêu cụ thể có kiểm tra, giám sát, đánh giá, có động viên, khuyến khích, phát huy vai trò của người đứng đầu, đặc biệt là tạo ra được sự kiên trì, bền bỉ trong quá trình xây dựng… Sau nhiều năm xây dựng, đúc kết, mô hình “Hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung” ở tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là mô hình phù hợp hiện nay. Từ đó, mô hình này trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình đầu tư và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp dùng chung, cơ sở dữ liệu dùng chung cũng như tiết kiệm được tài lực và vật lực, sớm phát huy tính hiệu quả.

Chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, Đô thị thông minh, bản chất vẫn là dựa trên phương châm “Lấy người dân làm trung tâm; Doanh nghiệp làm động lực; Nhà nước kiến tạo”. Theo quan điểm đó, mục đích chính của việc phát triển Chính quyền số, mở rộng các dịch vụ ĐTTM của tỉnh là đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; ứng dụng CNTT, công nghệ số để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm (giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, môi trường,…), tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân, thu hút mạnh mẽ sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xây dựng xã hội số để nâng cao hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kết nối, cung cấp dịch vụ, giải quyết mối quan hệ và thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân. Góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Là công cụ đột phá để các ngành, các lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững, tiến nhanh đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng giới thiệu tổng quan về chuyển đổi số, một số chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số; đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel và Tập đoàn VNPT chia sẽ những kinh nghiệm, mô hình hay trong quá trình triển khai chuyển đổi số.

theo thuathienhue.gov.vn (HNQ)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 54.542
Truy cập hiện tại 771