Vùng đất nhiều tiềm năng du lịch cần được “khai phá”
A Lưới được ví như một Đà Lạt thứ hai của vùng đất cố đô bởi khí hậu bán ôn đới mát mẻ quanh năm giữa vùng đất khắc nghiệt của miền Trung đầy nắng gió.
Cách TP. Huế 70km về phía Tây, A Lưới là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa của 5 dân tộc anh em Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh. A Lưới nổi tiếng nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích chiến tranh cách mạng tiêu biểu. Trong đó, di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, con đường đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc; hệ thống địa đạo của khu ủy Trị Thiên trong dãy núi A Túc, cụm địa đạo Động So, A Đon, động Tiên Công; các sân bay ASo, A Lưới, A Co, đồi A Biah… A Lưới còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, những dãy rừng nguyên sinh, những thắng cảnh đẹp như thác A Nôr, thượng nguồn suối Đăq Pling, suối Pâr le…
Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, vùng đất này còn có hệ thống làng nghề đa dạng, lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số, …
Thời gian qua, du lịch A Lưới bước đầu đã giới thiệu đến du khách nhiều sản phẩm du lịch văn hóa bản địa ấn tượng như loại hình du lịch trải nghiệm trong các homestay là những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới như nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu, nhà rông của dân tộc Tà Ôi, nhà Dài của dân tộc Pa Cô. Tham gia chương trình, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những bàn tay tài nghệ của phụ nữ người Tà Ôi thoăn thoắt bên những khung dệt thổ cẩm truyền thống Dèng, hòa mình vào các lễ hội của các dân tộc, như: lễ A riêu Car, lễ A riêu Ada, lễ A Riêu Piing...; thưởng thức loại hình văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca như hát Kâr lơi, Ba boih, Cha chấp, Xiềng… mang âm hưởng, hơi thở của núi rừng Trường Sơn; tìm hiểu phong tục, tập quán đặc sắc, khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc nơi đây; cũng như thưởng thức những món ăn, thức uống được chế biến rất cầu kỳ độc đáo mang đậm chất vùng cao như Ka Lèng, thịt khô gác bếp, rượu cần, súp sắn, đọt mây nướng, cá nướng đùm lá chuối, bánh A Quát, A Chót và cơm lam…
Liên kết để cùng phát triển
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND Huyện A Lưới trăn trở: Tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch nhưng du lịch A Lưới chưa được nhiều người quan tâm, nguồn vốn đầu tư lại ít nên tài nguyên du lịch của huyện vẫn chưa được khai thác nhiều. Do đó, A Lưới xác định việc liên kết du lịch, nghiên cứu tiềm năng du lịch là một trong những việc trọng tâm. Vùng cao này xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác phát triển du lịch và Kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa 4 huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) với Đông Giang - Tây Giang - Nam Giang (Quảng Nam).
Phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản tham gia khảo sát tiềm năng du lịch và chất lượng hoạt động nhà sàn truyền thống tại xã Hồng Hạ; phối hợp với Công ty Du lịch ICS – Đà Nẵng và Trường Cao đẳng Du lịch Huế đào tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn A Ka1 và rừng nguyên sinh A Roàng; kết hợp cùng Công ty Du lịch Việt Nam Experience khảo sát đồi A Biah, du lịch thượng nguồn suối Pâr le và du lịch cộng đồng tại Hồng Hạ; phối hợp với Công ty Evergreen Lab Đà Nẵng khảo sát chất lượng dịch vụ du lịch tại làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn A Ka1, thôn A Hưa... Quy hoạch các điểm du lịch và kêu gọi đầu tư tại Khu du lịch sinh thái A Nôr, xã Hồng Kim với diện tích 7,5ha, khu du lịch sinh thái suối Pârle với diện tích 5ha, khu du lịch suối nước nóng A Roàng với diện tích 10ha.
Xác định loại hình du lịch homestay sẽ là một trong những sản phẩm chính, du lịch A Lưới cho xây dựng nhiều phương án hỗ trợ phát triển du lịch homestay tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng và một số hộ gia đình tại xã Hồng Kim, Hồng Hạ, A Roàng và Nhâm nhằm phát huy tiềm năng du lịch; đồng thời, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người A Lưới.
Những tín hiệu khả quan
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên văn hóa lịch sử đa dạng, vùng đất này đã được tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến phát triển trở thành một điểm đến văn hóa du lịch, trong đó chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Thời gian qua, du lịch A Lưới từng bước phát triển và ngày càng có nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu, khám phá. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đang được quan tâm đầu tư xây dựng. Hệ thống di tích lịch sử dọc tuyến đường Hồ Chí Minh được quan tâm đầu tư, tôn tạo và phát huy như bia di tích tuyến đường lịch sử cách mạng đường 73 đã được xây dựng mới; nhà trưng bày hiện vật di tích lịch sử A Biah được nâng cấp; đưa vào sử dụng nhà trưng bày chứng tích chiến tranh hóa học của đế quốc Mỹ tại sân bay A So; bảng chỉ dẫn các điểm di tích lịch sử và du lịch được lắp đặt.
Hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn trên địa huyện ngày càng được nâng cấp nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ du khách. Hiện nay, trên địa bàn A Lưới có 13 điểm du lịch và 04 nhà nghỉ, khách sạn với 74 buồng phòng, 139 giường, 05 homestay và 02 Làng văn hóa du lịch cộng đồng và 11 nhà hàng đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch... Theo đó, trong năm 2019, du lịch A Lưới đã đón được khoảng 212.945 lượt khách (trong đó, lượng khách quốc tế khoảng 54.000 lượt và khách nội địa đạt khoảng 158.945 lượt), tổng doanh thu ước đạt khoảng 40 tỷ. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động thường xuyên với mức lương 2,5 – 3,5 triệu/người/tháng.
Tuyến đường quốc lộ 49 với 70km đường núi quanh co từ Huế lên A Lưới nay đã được mở rộng, bây giờ A Lưới chỉ cần có thêm những nhà đầu tư có tiềm lực, thấu hiểu vùng đất này để tạo ra được những sản phẩm đẳng cấp, những khu du lịch tầm cỡ để thu hút du khách. Và “Để cải thiện môi trường đầu tư, thời gian qua, huyện A Lưới đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cùng với tỉnh triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong thời gian tới, huyện A Lưới tiếp tục đồng hành, là điểm đến thực sự của các nhà đầu tư” ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện A Lưới khẳng định.